Thầy, cô giáo dạy học môn Toán phải giúp học sinh hiểu được bản chất, giải quyết được vấn đề thực tiễn cuộc sống, có thể kiếm tiền được từ kiến thức và trả lời được câu hỏi “Học Toán để làm gì?” chứ không phải học để đi thi.
Đó là những tiêu chí của GS.TS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm giải quyết vấn đề về đổi mới giảng dạy môn Toán trong các trường phổ thông tới đây.
Hình thành năng lực tư duy toán học
Theo GS.TS Đỗ Đức Thái, khẳng định, môn Toán mới sẽ không thay đổi nhiều về mặt kiến thức nhưng số lượng lý thuyết giảm đi đáng kể ở một số phần. Chú trọng nhất vào khả năng hiểu và tiếp cận toán học, hay còn gọi là hình thành năng lực tư duy toán học cho học sinh thay vì ghi nhớ, lắt léo và chỉ phục vụ thi cử.
Đánh giá về chương trình sách giáo khoa hiện hành, GS Thái cho rằng, hầu như các giáo viên vẫn đang giảng dạy theo hướng tiếp cận nội dung, tập trung trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết cái gì?Như vậy đã vô tình chạy theo khối lượng kiến thức, ít chú ý đến dạy cách học, nhu cầu, hứng thú của người học và phần nào còn coi nhẹ thực hành vận dụng lý thuyết trong đời sống thực tiễn.
Đồng thời, do sự hạn chế về mặt khung chương trình nên hiện nay kế hoạch và tiến trình dạy học môn Toán trên cả nước đang bị giống nhau, các em học sinh dân tộc miền núi, hải đảo cũng học như các em ở thành thị… phân bổ vậy là bất hợp lý và khiến khoảng cách trong giáo dục càng lớn.
Cùng với đó, giáo viên phổ thông đang dạy học sinh của mình những kiến thức lý thuyết quá khó nhớ, theo các dạng ghi nhớ công thức về cách tính số thập phân, đạo hàm, tích phân, hình học không gian …. nhưng học sinh không hiểu bản chất của phép tính.
Vấn đề này đã kéo dài gần 30 năm qua, việc học mới chỉ dừng lại ở phục vụ mục đích của các kỳ thi, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khiến học sinh vất vả vô cùng nhưng lại không biết vận dụng để làm gì ngoài việc bài tập trong các kì thi.
GS Đỗ Đức Thái cho rằng, trong đổi mới nội dung môn Toán chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, tập trung kế thừa một số lý thuyết cũ, những điểm đã được chứng minh phù hợp từ đó xây dựng sách giáo khoa môn Toán mới theo tiêu chí “Tinh giản – thiết thực- hiện đại- khơi nguồn sáng tạo”. Nội dung phải tinh giản, phản ánh đúng giá trị cốt lõi của môn học, chú trọng hiểu bản chất và dứt khoát phải giải quyết được vấn đề vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Ví dụ như số tiết học ở các cấp đã được giảm đi đáng kể: bậc Tiểu học thay đổi giảm còn 840 tiết (so 900 tiết như chương trình cũ); bậc Trung học cơ sở hiện còn 530 tiết (so với 630 tiết như chương trình cũ) và bậc Trung học phổ thông giảm mạnh mẽ nhất chỉ còn 3 tiết/tuần (so với 5 tiết/tuần như hiện nay).
Số tiết giảm, chương trình học chú trọng thực hành, thực nghiệm, điều này sẽ giúp xây dựng môn Toán gần gũi và hiệu quả hơn đối với học sinh.
Hai điểm đổi mới trong dạy học môn Toán
GS Đỗ Đức Thái cho biết, hai điểm đổi mới chính trong việc dạy học môn Toán mà các thầy cô giáo cần lưu ý.
Thứ nhất, chuyển từ dạy theo hướng truyền tải nội dung sang dạy học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực Toán học, trả lời câu hỏi “học Toán để làm gì?”.
Cụ thể, tập trung xây dựng năng lực Toán học (NLTH) cho học sinh ở đây là các thầy cô giáo phải biết cách biến bài học lý thuyết thành một chuỗi hoạt động trong các tiết học giúp học sinh hiểu bản chất một cách đơn giản nhất nhờ vào các ví dụ thực tiễn đời sống và học tập thực chất không đơn giản chỉ là ghi – chép và ghi – nhớ.
5 năng lực các giáo viên cần xây dựng cho học sinh là: năng lực tư duy, lập luận Toán học; năng lực mô hình hóa Toán học; năng lực giải quyết vấn đề Toán học; năng lực giao tiếp Toán học; năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện Toán học.
GS Thái cho biết, 4 trong năm năng lực này đang mâu thuẫn với việc phương thức kiểm tra bài vở hiện hành ở các cấp, hi vọng các năng lực này sẽ giúp các em giảm tải bớt được áp lực thi cử và có nhiều hơn cơ hội thực sự áp dụng Toán học vào đời sống mỗi em.
Thứ hai, các thầy cô giáo cần dạy học theo hướng “ứng dụng toán học vào thực tiễn”. Đây là điểm mà sách giáo khoa hiện hành và giáo viên ít nghĩ tới.
Ví dụ ở bậc THPT mỗi lớp sẽ có 35 tiết chuyên đề tự chọn/năm nhằm giới thiệu cho học sinh về đồ họa, kỹ thuật, bản vẽ cơ bản, tài chính, lãi suất, tín dụng… giúp hiểu biết được thêm nhiều kiến thức, mở rộng tư duy và kích thích vận dụng toán học, từ đó tôi tin chắc học sinh sẽ thích thú với môn Toán vì thấy gần gũi vì phục vụ được chính cuộc sống của các em
Cách dạy học mới này thực chất chỉ là mô hình hóa các nội dung bài học, nhưng để làm được điều này, đòi hỏi năng lực của người giáo viên phải giúp cho các em hiểu được bản chất của các định lý, định luật; sau đó sử dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn rồi lại đem kết quả thu được để quay lại chứng minh lý thuyết là đúng, GS Đỗ Đức Thái cho hay.
Hà Cường
(Dân trí)
- Tổ Sử - Địa tổ chức Ngoại khoá năm học 2023 - 2024 - 19/12/2023
- Ngoại khoá "Toán học với cuộc sống" - 24/04/2023
- Ngoại khóa tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - 06/03/2023
- Tổ Sử-Địa-GDCD tổ chức tham quan trải nghiệm cho Học sinh Khối 12 - 24/10/2022
- Môn Tin học trong Chương trình GDPT mới - 10/04/2019