Cách dạy học Ngữ văn mới

Thứ 2, 22/01/2018 11:14

Cùng một mô-tip “mẹ ghẻ - con chồng”, nếu người Mỹ dạy tác phẩm “Lọ Lem” giúp học sinh rút ra 6 bài học: cần đúng giờ; ăn mặc lịch sự; tự yêu thương bản thân; cần có bạn bè; yêu thương người thân; biết giành cơ hội, thì chúng ta xưa nay dạy “Tấm Cám” - chỉ gói gọn trong 1 bài học: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Đã đến lúc phải thay đổi nhanh, mạnh và toàn diện cách khai thác bài giảng để giúp sinh viên, học sinh Việt Nam phát triển tư duy, mở rộng tầm nhìn, vận dụng kiến thức đa ngành để nhìn nhận các vấn đề xã hội… từ đó, người học có thể rút ra bài học cho bản thân, biết tự điều chỉnh để hoàn thiện nhân cách, trau dồi kỹ năng sống, tuân thủ pháp luật...

Nhấn mạnh điều này, là cán bộ giảng dạy lâu năm, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực sư phạm tiểu học, THCS, THPT cho địa phương, cô Trần Thị Ánh Thu - Trường ĐH Khánh Hòa - chia sẻ cách dạy mới để nhanh chóng thay đổi cách khai thác bài giảng Ngữ văn khá đơn điệu, phiến diện hiện nay. Chia sẻ thú vị này được cô Thu thể hiện trong tham luận tại hội thảo “Về chất lượng giáo dục phổ thông” năm 2017.

Bài viết chỉ ra cách dạy Ngữ văn bằng phương pháp vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức các ngành khoa học mà cụ thể ở đây là 12 ngành khoa học như: Tâm lý học, Giáo dục học, Xã hội học, Pháp luật, Đạo đức, Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử, Công tác xã hội, Ngôn ngữ học tri nhận, Dụng học và thực tế cuộc sống.

Từ đó, dẫn dắt người học cùng tham gia khám phá, tìm hiểu tác phẩm thông qua hệ thống câu hỏi mở, có đích hướng của người dạy khiến bài giảng trở nên cuốn hút, lớp học trở nên sôi động, tác phẩm văn học được khai thác sâu, rộng.

Hiệu quả của bài giảng không chỉ giúp người học thấy được giá trị của tác phẩm văn học mà còn thấy được giá trị văn hóa – xã hội – giáo dục, giá trị hiện đại, tính thời sự của nó, từ đó khẳng định sức sống mãnh liệt của văn học dân gian trong lòng dân tộc.

Ví dụ: Khi giảng dạy học Văn học dân gian Việt Nam, với cách dạy xuyên môn, liên môn, cô Trần Thị Ánh Thu đã dẫn dắt sinh viên cùng khai thác được hơn 10 tầng ý nghĩa, rút ra hơn 10 bài học từ truyện Tấm Cám hay truyện Cây khế...

 

...........vv...............................

Cô Trần Thị Ánh Thu cho rằng: Nếu vận dụng tốt phương pháp dạy tích hợp, người thầy sẽ dẫn dắt học trò khai thác bài giảng được sâu sắc, đa diện, đa chiều, người học được khôn lớn, trưởng thành, giàu vốn sống hơn, biết cách ứng xử tình huống tốt hơn. Đây là định hướng mới và đúng đắn của nền giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Vận dụng tốt sư phạm tích hợp cũng giúp người thầy trang bị cho HSSV kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm theo hướng nghiên cứu Ngữ dụng học, Ngôn ngữ học tri nhận, góp phần bắt kịp nhịp đập của nền giáo dục thế giới, thích ứng với nền văn hóa phẳng toàn cầu.

                                                                                                                                                                        Theo Hải Bình

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Giáo dục & Thời đại