GD&TĐ - Thực tế hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học môn Công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Truyền thụ tri thức một chiều vẫn là phương pháp dạy học chủ đạo của nhiều giáo viên.
Số giáo viên thường xuyên chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các phương pháp dạy học cũng như sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh còn chưa nhiều. Dạy học vẫn còn nặng nề về truyền thụ kiến thức lý thuyết.
Việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh thông qua khả năng vận dụng tri thức tổng hợp chưa thực sự được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, sử dụng các phương tiện dạy học chưa được thực hiện rộng rãi và hiệu quả trong các trường phổ thông.
Thực trạng trên đây dẫn đến hệ quả là nhiều học sinh phổ thông còn thụ động trong việc học tập môn Công nghệ; khả năng sáng tạo và năng lực vận dụng tri thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống còn hạn chế.
Thiếu động cơ học tập
Chương trình bộ môn Công nghệ phổ thông còn nặng tính hàn lâm, chưa phù hợp với mọi đối tượng, chưa đảm bảo được tính vùng miền. Bộ môn được coi là môn phụ nên học sinh không lo sợ kết quả, không có hứng thú học tập. Chủ yếu học sinh tập trung vào ôn thi tốt nghiệp nên đa số các em không đầu tư nhiều thời gian cho bộ môn này. Mặt khác, một số trường phân công giáo viên dạy không đúng chuyên môn…
Công tác quản lý, theo dõi, đánh giá chưa kích thích được tinh thần, khí thế của người dạy và người học, chưa thúc đẩy được chất lượng, hiệu quả dạy học và cũng chưa kịp thời uốn nắn được những lệch lạc xảy ra.
Kết quả học tập (thể hiện chất lượng dạy học) ở từng trường, từng lớp chủ yếu phụ thuộc vào sự đánh giá của cá nhân giáo viên dạy ở lớp đó, trường đó. Bởi vì thường là người dạy, người ra đề, người chấm thi là một.
Ngoài các đặc điểm chung của môn Công nghệ phổ thông, môn Công nghệ lớp 12 còn có một đặc điểm riêng là nó nghiên cứu về kỹ thuật điện tử và kỹ thuật điện, được ứng dụng rộng rãi và rất gần gũi với cuộc sống thực tế của học sinh.
Nó được xây dựng trên cơ sở những nguyên lý kỹ thuật khá phức tạp nên nội dung môn học vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính trừu tượng cao. Mặt khác môn học này lại có khối lượng kiến thức khá lớn, phức tạp và khó.
Phần “Kỹ thuật điện tử” là phần tương đối khó với nhiều kiến thức lý thuyết mới mẻ, trừu tượng rất khó nhớ như cấu tạo, công dụng, ký hiệu, phân loại các loại linh liện điện tử; nguyên lý làm việc của các mạch điện tử.
Những kiến thức đó mang tính chuyên ngành điện tử cao nên vừa mới mẻ vừa trừu tượng và khó ghi nhớ đối với học sinh, nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn khi giảng dạy nội dung này.
Hạn chế về giáo viên
Hiện nay, mặc dù khoa học và công nghệ đang từng ngày, từng giờ thay đổi, các hiện tượng thực tế học sinh phải tiếp xúc rất phong phú, thế nhưng việc cập nhật thông tin, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên chưa được chú ý đúng mức.
Vì vậy, trong giảng dạy bộ môn, không ít giáo viên còn tỏ ra lúng túng. Mặt khác, quan niệm và nhận thức nói chung của các bậc cha mẹ học sinh và ngay cả các cấp quản lý giáo dục về vị trí, vai trò của giáo dục công nghệ phổ thông vẫn chưa đúng mức và thống nhất.
Những vấn đề về chế độ chính sách nhằm khuyến khích dạy và học công nghệ, cơ chế sử dụng đội ngũ giáo viên công nghệ phổ thông vẫn còn lúng túng, chưa thỏa mãn, chưa phù hợp.
Do vậy, một số giáo viên chưa đầu tư đúng mức hoặc chưa có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn học sinh chưa hứng thú với môn học, học tập còn mang tính đối phó, hời hợt, tâm lý đó gây lên cản trở trong việc học tập môn này.
Phương pháp dạy học mà giáo viên sử dụng vẫn chủ yếu là phương pháp truyền thống: thầy giảng - trò nghe, thầy đọc - trò ghi, phương pháp này mang tính chất thông báo, tái hiện.
Hiện nay các phương pháp dạy học tích cực đã và đang được nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn dạy học, thuật ngữ này dần dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu mới dừng lại ở phạm vi lý luận, hoặc còn là chủ trương, chỉ thị,… chứ chưa thực sự đi vào nhà trường, chưa trở thành nhu cầu bức xúc với từng giáo viên, học sinh, từng môn học, bài học.
Đại đa số giáo viên đều thấy đổi mới phương pháp dạy học là cần thiết, nhưng đổi mới như thế nào, triển khai thực hiện ra sao đối với môn học, bài học cụ thể…thì vẫn còn lúng túng.
Thiếu sự hỗ trợ từ thiết bị
Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học còn hạn chế. Nội dung kiến thức môn học đòi hỏi nhiều phương tiện trực quan như tranh vẽ, mô hình, vật thật,… nhưng thực tế hiện nay dạy “chay” vẫn phổ biến.
Đối tượng của môn Công nghệ lớp 12 có nhiều kiến thức trừu tượng, nếu không có sự hỗ trợ của thiết bị dạy học thì giáo viên khó có thể chuyển tải đầy đủ kiến thức tới học sinh được.
Cô Phùng Thị Thu Hiền - Trường THPT Nguyễn Du (Nam Định)
- Tổ Sử - Địa tổ chức Ngoại khoá năm học 2023 - 2024 - 19/12/2023
- Ngoại khoá "Toán học với cuộc sống" - 24/04/2023
- Ngoại khóa tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - 06/03/2023
- Tổ Sử-Địa-GDCD tổ chức tham quan trải nghiệm cho Học sinh Khối 12 - 24/10/2022
- Môn Toán trong chương trình GDPT mới: Học sinh phải hiểu “Học Toán để làm gì?” chứ không phải để đi thi - 05/11/2021