Chú ý tốc độ làm bài
Theo cô Vũ Thị Trọng, giáo viên (GV) Sinh học Trường THPT Đặng Thai Mai (TP Thanh Hóa), giai đoạn này chưa phải là nước rút nên các em cần bình tĩnh ôn tập lại kiến thức trong sách giáo khoa theo bài và chương, kết hợp ôn lại từng chuyên đề với làm đề tổng hợp.
Các em nên sưu tập đề thi thử ở các trường để rèn kỹ năng làm bài, giúp phản xạ nhanh hơn với đề thi. Tuy nhiên, giữa các em ôn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học mức độ đề sẽ khác nhau.
Đối với xét tuyển tốt nghiệp, nên tập trung làm gọn 24 câu trong cả 40 phút. Đối với HS ôn thi ĐH, phải xác định mức điểm mà mình hướng tới để tính toán thời gian cho phù hợp. Ví dụ, mục tiêu là 8 điểm thì HS phải làm được 36 câu trong 45 phút.
Các em cần chú ý đến tốc độ làm bài. Khi làm bài, phải đọc kỹ đề, dùng bút gạch chân những từ khóa. Các em nên đọc đề lướt 1 lần . Trong quá trình đọc thấy câu nào có đáp án ngay thì làm luôn, câu nào còn băn khoăn thì để lại sau, để cả các câu bài tập.
Cô Vũ Thị Trọng lưu ý, không bao giờ đọc xong đề rồi mới làm vì như vậy không đủ thời gian. Đối với câu hỏi đếm là bài tập thì tính toán ý nào xong các em ghi kết quả vào cuối ý đó luôn, sau đó tổng hợp lại. Tránh tình trạng tính mà cứ để trên giấy nháp xong xuôi rồi mới “tích” các câu đúng hay sai. Đáng chú ý nhất là các em làm được câu nào thì tô đáp án ngay câu đó.
Làm các câu dễ trước; câu khó, câu dài làm sau
Cô Trịnh Thị Thắm, GV môn Sinh học Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Thanh Hóa) cho rằng, nội dung kiến thức trong Kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, tuy nhiên để nắm vững và làm tốt được, đòi hỏi học sinh phải có được hệ thống kiến thức nền ở các cấp học và lớp học trước đó.
Thời gian này, các em nên tập trung và luyện đề để làm quen với tốc độ và lượng kiến thức mình đã nắm được cơ bản. Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, khi đó thời gian sẽ tạo áp lực lớn, kết quả rất khó có thể đạt tối đa được. Hãy có kế hoạch học sớm, thường xuyên.
Rèn luyện bài tập vận dụng ngay sau khi học lý thuyết, định hướng trước các câu hỏi trắc nghiệm có thể ra về vấn đề mà mình đang học. Nắm vững kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp, về nhà hệ thống hóa lại và mở rộng, đào sâu.
Để đạt điểm cao 8, 9,10, HS cần nắm chắc phần quy luật di truyền, phả hệ bởi các câu hỏi vận dụng cao thường rơi vào phần này. Đối với HS chỉ xét điểm tốt nghiệp, các em nên tập trung học phần cơ chế di truyền biến dị, quần thể, tiến hóa, sinh thái
Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi, cô giáo Trịnh Thị Thắm khuyên, các em làm các câu dễ trước, câu khó, câu dài làm sau. Lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh được 50% số câu hỏi tùy khả năng, lượt thứ 2 suy nghĩ để trả lời những câu còn lại. Đừng mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, đọc kĩ đề để tránh bị lừa. Các em cần thận trọng khi tính toán và đừng quên kiểm thử với đáp án, bởi thi trắc nghiệm chỉ chính xác đúng - sai mà thôi.
Đề tham khảo Kì thi THPT quốc gia 2019 gồm 40 câu từ 81-120, bám sát cấu trúc 7 chuyên đề: Cơ chế di truyền và biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thế, di truyền người, ứng dụng di truyền, tiến hóa, sinh thái trong chương trình Sinh học 12 ; 1 Chương: Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong chương trình Sinh học 11; 1 chương: Thành phần hóa học của tế bào trong chương trình sinh học lớp 10. Các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10 chỉ thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu. Lớp 12 có đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Để làm bài thi tốt môn học này cần có một cách ôn tập hợp lí và khoa học.
- Tổ Sử - Địa tổ chức Ngoại khoá năm học 2023 - 2024 - 19/12/2023
- Ngoại khoá "Toán học với cuộc sống" - 24/04/2023
- Ngoại khóa tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - 06/03/2023
- Tổ Sử-Địa-GDCD tổ chức tham quan trải nghiệm cho Học sinh Khối 12 - 24/10/2022
- Môn Toán trong chương trình GDPT mới: Học sinh phải hiểu “Học Toán để làm gì?” chứ không phải để đi thi - 05/11/2021